“Thu hút nhân tài”: Kinh nghiệm trong đổi mới sáng tạo cho Việt Nam

Thứ sáu - 11/03/2022 22:39
Đổi mới sáng tạo đang ngày càng khẳng định vai trò mấu chốt trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia.
Đổi mới sáng tạo đang ngày càng khẳng định vai trò mấu chốt trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia. Nhưng hầu như không có mẫu số chung cho bất cứ mô hình đổi mới sáng tạo nào để có thể áp dụng một cách cứng nhắc và khiên cưỡng lại đem về kết quả. Mỗi quốc gia phải tự tìm cho mình con đường để đổi mới sáng tạo mà chìa khóa có thể bắt đầu từ chiến lược thu hút nhân tài.
ytt
Ảnh minh họa.

VAI TRÒ CỦA ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN

Gần đây, cụm từ đổi mới sáng tạo được nhắc đến rất thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Đây không phải là những khái niệm mới.

Đổi mới sáng tạo đã đồng hành cùng lịch sử phát triển của loài người, giúp con người từ chỗ sống phụ thuộc vào thiên nhiên đến chinh phục thiên nhiên và tạo dựng được cuộc sống tiện nghi như ngày nay. Chữ viết tay, sản phẩm nông nghiệp, thuốc chữa bệnh, tivi, máy bay, internet hay việc phát minh ra chất bán dẫn, việc giải mã được trình tự bộ gene người… chính là những thành quả mà đổi mới sáng tạo mang đến cho con người. Sự khác nhau của quá trình đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia có chăng là tuỳ thuộc vào mức độ khuyến khích các yếu tố mới, các chiến lược giáo dục, hay kinh tế xã hội nhằm thúc đẩy sự sáng tạo mà quốc gia ấy theo đuổi.

Trên thế giới có nhiều cách giải thích nội hàm của khái niệm đổi mới sáng tạo, trong đó, định nghĩa của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) được sử dụng phổ biến nhất: “Đổi mới là sự cải tiến hoặc làm mới (hoặc kết hợp cả hai) của một sản phẩm hoặc quy trình mà trong đó có sự khác biệt đáng kể với các sản phẩm hoặc quy trình trước đây của một đơn vị đã được cung cấp cho người dùng tiềm năng (sản phẩm) hoặc được chính đơn vị đó sử dụng (quy trình).” Ở tầm chiến lược quốc gia, đổi mới được định nghĩa một cách đơn giản là “việc tạo ra và áp dụng kiến thức mới để cải thiện thế giới".

Trong bối cảnh nền kinh tế dựa vào tri thức hiện nay, càng cho thấy vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo đối với việc gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao sự thịnh vượng của quốc gia. Vì vậy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo luôn là mục tiêu, nhưng cũng là thách thức đối với mỗi chính phủ.

Trong suốt gần hai thập kỷ qua, hầu hết các siêu cường, các nền kinh tế hùng mạnh đều tuyên bố đổi mới là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của họ. Thực tế cho thấy. các quốc gia thành công với chiến lược đổi mới sáng tạo đều sử dụng những bộ óc thông minh nhất, những nhân lực lành nghề nhất để tìm ra hướng đi riêng. Cuộc đua đổi mới giữa các quốc gia được ví như một cuộc chiến, mà phần thắng chỉ dành cho những “người chơi” có chiến lược mang tính đột phá. 

ĐỀ CAO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2015 đã khẳng định: “Nhân tài, chứ không phải vốn, sẽ là yếu tố chính liên kết sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong thế kỷ 21”. Điều này đã được thực tế chứng minh. Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế thông tin đã kéo theo những thay đổi căn cốt: các thiết bị, nhà xưởng hay vốn tài chính đã không còn là những tài sản quan trọng bậc nhất của mỗi nền kinh tế. Thay vào đó, những nguồn lực vô hình như tri thức, kỹ năng, và các mối quan hệ trở thành những lợi thế cạnh tranh hàng đầu giữa các quốc gia.

Nhân lực lao động chất lượng cao càng trở nên khan hiếm trong bối cảnh xu hướng già hoá dân số cùng với tỷ lệ sinh thấp gây thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung; sự tự do di chuyển của người lao động do sự phát triển cực thịnh của các tập đoàn đa quốc gia; những tiến bộ vượt trội của khoa học công nghệ cho phép lao động có thể làm việc từ xa, không còn bị cản trở nhiều về khoảng cách địa lý, visa lao động hay quốc tịch; và sự trỗi dậy mãnh liệt của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và châu Mỹ La tinh, trở thành những điểm hút xoáy mạnh nhân tài toàn cầu vào guồng quay của nó. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần biến các chiến lược thu hút nhân tài của các quốc gia trở thành một “cuộc chiến” lớn. Hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp, các quốc gia bắt buộc phải quản lý tốt con người. Bên cạnh các “trung tâm” thu hút nhân tài truyền thống của thế giới như Thuỵ Sỹ, Anh, Mỹ... đã xuất hiện thêm những nhân tố mới đang rút rất nhanh khoảng cách với các nhà vô địch truyền thống, vươn tới hoặc sát tới top đầu như Hàn Quốc, Trung Quốc.

Thuỵ Sĩ, một quốc gia liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất thế giới của WIPO (World Interllecture Property Organization) (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) trong suốt gần một thập kỷ qua, đã trở thành trường hợp nghiên cứu của rất nhiều học giả. Một trong số những nghiên cứu như thế cho biết 7 bí quyết thành công của Thuỵ Sĩ, trong đó bí quyết số 1 khẳng định: “Đổi mới không thể đến từ một cú bật công tắc”. Thuỵ Sĩ với đặc thù là một quốc gia nhỏ không có tài nguyên thiên nhiên, đã có một lịch sử phát triển khôn ngoan là luôn luôn dựa vào những ý tưởng và về sự cởi mở. Lộ trình xây dựng một môi trường sẵn sàng đón nhận cái mới; tăng cường khả năng cạnh tranh; thúc đẩy toán học và khoa học (STEM) để đảm bảo tiêu chuẩn giáo dục phát triển cùng với tiến bộ công nghệ; ưu tiên kinh phí cho nghiên cứu chính là các bí quyết trong việc tạo dựng một cái “nôi” cho những ý tưởng mới đơm hoa kết trái.

“Hệ sinh thái” hoàn hảo cho đổi mới sáng tạo xoay quanh trọng tâm là giáo dục đào tạo mà Thuỵ Sĩ tạo dựng được qua nhiều thế hệ chính là mật độ các trường đại học Top 500 cao nhất thế giới tính theo bình quân đầu người; là đặc sản “hệ thống giáo dục kép” gần như là duy nhất trên thế giới (phát triển song song, cân bằng, hài hoà giữa hệ thống trường dạy nghề và hệ thống giáo dục đại học, hai hệ thống bổ sung nhưng không thay thế cho nhau). Điều Thuỵ Sĩ làm được là chứng minh được quan điểm: “Giáo dục học thuật không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”, lý thuyết phải đi đôi với thực hành mới mang lại hiệu quả cao; doanh nhân chỉ có thể hình dung ra những cơ hội kinh doanh tốt nếu họ am hiểu thị trường và nhận thức được nhu cầu cụ thể của người tiêu dùng. Do vậy, họ cần phải được trang bị những kỹ năng thực hành cần thiết. Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nhân ở Thuỵ Sĩ cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia châu Âu khác. Đó chính là thế mạnh số 1 của Thuỵ Sĩ trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hàn Quốc lại có câu chuyện thành công khác. Năm 2021, Hàn Quốc nhảy cóc 5 bậc so với năm 2020 để vươn lên top 5 các quốc gia đổi mới sáng tạo, chỉ đứng sau Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Mỹ và Anh, vượt qua những tên tuổi rất “nặng ký” như Singapore, Nhật Bản… Điều gì đã mang lại kỳ tích này? Câu trả lời thật đáng ngưỡng mộ, nhưng không gây ngạc nhiên. Đó chính là Làn sóng Hàn Quốc (K-wave) (còn gọi là Hallyu, là “hiện tượng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc như phim truyền hình, điện ảnh, nhạc pop, thời trang và trò chơi trực tuyến), IT và những nghiên cứu về y học. Để xác định các lĩnh vực mũi nhọn đó, gây dựng và biến chúng thành lợi thế cạnh tranh số một của đất nước, chuyển Hàn Quốc từ “một người đi siêu nhanh” thành “người đi trước”, quốc gia này đã có một chiến lược theo đuổi nền kinh tế đổi mới thành công, thông qua đầu tư mạnh vào nghiên cứu cơ bản kết hợp với ứng dụng, cải cách hệ thống và dịch chuyển nhân tài. Chi tiêu của Hàn Quốc cho nghiên cứu và phát triển tính theo tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này cao thứ hai trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Israel. Từ năm 2000 đến năm 2018, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển đã tăng từ 2,1% GDP năm 2000 lên hơn 4,5%. Mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành “người đi đầu” thay vì chỉ đơn giản là “người đi sau nhanh” để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc cũng có những tiến bộ nhảy vọt về đổi mới sáng tạo. Trong một thập kỷ qua, thế giới chứng kiến quá trình Trung Quốc rũ bỏ thành công thương hiệu “công xưởng của thế giới”, chuyển thành “ông chủ của thế giới” một cách “ngạo nghễ” với nhiều thành tựu về kinh tế mà nòng cốt là một nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc. Để tạo dựng “cơ đồ” đó, Trung Quốc đã có những bước chuẩn bị hết sức căn cơ, trong đó, không thể không kể đến chiến lược thu hút nhân tài. Bằng những chính sách vô cùng khôn ngoan, Trung Quốc đã “nhảy” vào thị trường nhân sự thế giới và nhanh chóng làm khuynh đảo “cuộc chơi” theo cách riêng .

Với mục tiêu đầy tham vọng là chuyển Trung Quốc thành một nền kinh tế dựa vào công nghệ, hướng tới dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ vào năm 2050, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ban hành một “Tầm nhìn chung” có vai trò giống như một đại chiến lược. Chiến lược này một mặt tập trung vào các cải cách trong nước, thiết kế lại hệ thống giáo dục, nâng cao trình độ giáo dục đại học; mặt khác xúc tiến các kế hoạch để đưa lao động nước ngoài có tay nghề cao vào Trung Quốc, bao gồm cả Hoa kiều và công dân nước ngoài.

Chương trình “Về nhà” chính là một sáng kiến dành riêng cho người gốc Hoa, ra mắt năm 2003, do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST) khởi xướng cùng với 35 tổ chức khoa học và công nghệ ở nước ngoài. Chương trình đã mang lại những thành tựu rất đáng chú ý: hiện đã có tới hơn 4,3 triệu thành viên với hàng nghìn chi nhánh, giúp cho mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc trên toàn thế giới tổ chức thực hiện các kế hoạch tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài. Chương trình “Ngàn nhân tài” là một công cụ ra mắt năm 2008, với mục tiêu ban đầu là thu hút khoảng 2000 nhân tài quốc tế. Tuy nhiên đến năm 2017, Chương trình này đã mang về cho Trung Quốc 7000 “chuyên gia cao cấp”, tăng 3,5 lần so với mục tiêu đề ra. Nhưng “Ngàn nhân tài” không phải là kế hoạch lớn nhất và duy nhất. Nó chỉ là 1 trong 200 kế hoạch tuyển dụng tài năng do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động kể từ đó đến nay. Những kế hoạch này thu được thành tựu to lớn bởi chúng đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng, được ưu tiên hàng đầu thông qua Kế hoạch Phát triển Nhân tài Trung hạn và Dài hạn Quốc gia (2010-2020). Một trong số các mục tiêu của kế hoạch là gia tăng đội ngũ công nhân có tay nghề cao từ 114 triệu đến 180 triệu, với chi tiêu do chính phủ phân bổ cho con người tăng từ 10,75 % GDP của Trung Quốc lên 15 % vào năm 2020. Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu: “Mặc dù Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về số lượng nhà khoa học và công nghệ, nhưng nước này vẫn thiếu nhân tài khoa học và công nghệ sáng tạo đẳng cấp thế giới”. Để giải quyết vấn đề này, ông Tập đã ra lệnh ưu tiên thực hiện “Chiến lược rencai” nhằm đạt được sự trẻ hoá quốc gia của Trung Quốc. Chiến lược này có thể tóm tắt là nỗ lực “tập hợp tất cả những bộ óc sáng suốt nhất dưới trời để phục vụ Trung Quốc”.

Câu chuyện thu hút nhân tài phục vụ chiến lược phát triển đất nước cũng là bài toán ngay cả đối với những cường quốc truyền thống về đổi mới sáng tạo như Vương quốc Anh - một quốc gia có đóng góp to lớn cho sự tiến bộ khoa học của con người. Mục tiêu của Anh là phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để phục hồi những tổn thất hậu Covid-19 và “xây dựng đất nước trở lại tốt đẹp hơn”. Chính phủ Anh nhận định: “Chúng ta đang ngồi trên đỉnh của sự thay đổi công nghiệp mang tính biến đổi không giống như bất kỳ sự thay đổi nào mà thế giới đã chứng kiến trước đây. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những cỗ máy vượt quá trí thông minh của con người, trong khi công nghệ lượng tử một ngày nào đó sẽ tính toán những thứ hiện tại không thể thay đổi được, nhưng đó chỉ là hai ví dụ.

Kế hoạch tăng trưởng của nước Anh đã đặt sự đổi mới là một trong ba trụ cột của sự thịnh vượng về kinh tế. Mục tiêu bao trùm là làm cho Vương quốc Anh trở thành trung tâm toàn cầu cho sự đổi mới, đặt sự đổi mới vào trung tâm của mọi thứ ở quốc gia này làm. Bốn trụ cột đã được đưa ra để đảm bảo biến mục tiêu đó thành hiện thực: Phát triển kinh doanh; Con người; Tổ chức; Công nghệ.

Với trụ cột Con người, Anh hướng tới mục tiêu trở thành nơi hấp dẫn nhất cho các tài năng đổi mới. Hiện tại, Anh đang tạo ra một hệ thống nhập cư dựa trên thành tích cá nhân để thu hút những tài năng tốt nhất trên toàn thế giới, bất kể quốc gia xuất xứ, tạo nên một nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Từ năm 2009, lần đầu tiên, nước Mỹ đã ban hành Chiến lược đổi mới nhằm đảm bảo cho Mỹ tiếp tục duy trì vị trí nền kinh tế đổi mới nhất thế giới, để phát triển các ngành công nghiệp của tương lai và giúp giải quyết những thách thức quan trọng nhất. Những điểm đáng chú ý của Chiến lược là: Đầu tư hàng đầu thế giới vào nghiên cứu cơ bản; Tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục STEM chất lượng cao; Khai thông con đường cho người nhập cư để thúc đẩy nền kinh tế đổi mới; Xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất hàng đầu thế kỷ 21; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số thế hệ tiếp theo; Thúc đẩy động cơ đổi mới của khu vực tư nhân. Chiến lược này được cập nhật lần thứ nhất vào năm 2011, lần thứ hai vào năm 2015. Ba nhóm sáng kiến đã được đưa ra để tạo ra việc làm có chất lượng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đột phá cho các ưu tiên quốc gia. Nhằm tăng cường nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền kinh tế đổi mới, Mỹ đã một mặt tập trung cải thiện kỹ năng kỹ thuật của lực lượng lao động trong nước, mặt khác thu hút nhân tài nước ngoài thông qua cải cách toàn diện chính sách nhập cư, dọn đường để người tài “chảy” đến nước Mỹ.

Kim chỉ nam cho đổi mới của Mỹ đã được thể hiện rất hay qua Tuyên bố của Tổng thống B. Obama ngày 17/11/2010: “Đối với nền kinh tế toàn cầu, chìa khóa cho sự thịnh vượng của chúng ta sẽ không bao giờ là cạnh tranh bằng cách trả lương cho công nhân của chúng ta ít hơn hoặc làm ra những sản phẩm rẻ hơn, chất lượng thấp hơn. Đó không phải là lợi thế của chúng ta. Chìa khóa thành công của chúng ta - như nó đã luôn như thế - là sẽ cạnh tranh bằng cách phát triển các sản phẩm mới, bằng cách tạo ra các ngành công nghiệp mới, bằng cách duy trì vai trò đầu tàu thế giới của chúng ta trong việc khám phá khoa học và đổi mới công nghệ. Nó hoàn toàn cần thiết cho tương lai của chúng ta”.

Hiện nay, nước Mỹ còn thể hiện một tầm nhìn rất xa khi đã xây dựng một “cách tiếp cận thực dụng nhằm tập hợp các nhóm quốc gia lại với nhau để cùng hợp tác về công nghệ nhằm mục tiêu là đi trước Trung Quốc về chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và những tiến bộ khác được kỳ vọng sẽ xác định nền kinh tế và quân sự của tương lai”.

 

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Từ thực tế cạnh tranh khốc liệt nguồn lao động chất lượng cao của các nước phát triển hàng đầu ở phương Tây đến các nền kinh tế mới nổi châu Á cho thấy câu chuyện về nhân tài là bài toán mà tất cả các nền kinh tế đều phải đổi mặt trước nguy cơ thiếu nhân lực chất lượng cao trong những thập kỷ tới. “Vũ khí” mà các quốc gia đã sử dụng trong cuộc chiến tranh giành nhân tài không phải là tàu bay hay đạn dược, mà chính là các chính sách. Các quốc gia đều “tham chiến” bằng cách thiết kế các chính sách nhân tài và phải điều chỉnh chúng thường xuyên cho phù hợp với bối cảnh có nhiều biến động, nếu không muốn bị bại trận trước các đối thủ dày dạn kinh nghiệm và đầu tư nghiêm túc cho chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam chắc chắn cũng không thể là ngoại lệ. Việc đầu tư để xây dựng một “hệ sinh thái” nhằm nuôi dưỡng, thu hút và giữ chân nhân tài là điều cần thiết và cấp bách. Để đạt được điều đó, một loạt vấn đề cần phải xem xét để tạo thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và thu hút nhân tài là:

Thứ nhất, cần cải tổ hệ thống giáo dục thiên về dạy kiến thức (đôi lúc đã lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội), đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp; thúc đẩy các ngành khoa học STEM), bao gồm cả tạo lập môi trường cho “đầu ra”; xây dựng lại cơ chế khen, thưởng, phê bình, kỷ luật… cho cả thầy và trò từ cấp tiểu học tới đại học để hạn chế tối đa bệnh thành tích; tăng lương cho giáo viên để họ đủ sống và cống hiến. Xây dựng cơ chế để chọn được những người thật sự giỏi truyền bá kiến thức, ươm mầm tài năng cho đất nước. Trao thêm ưu đãi cho khối trường tư và những người kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải cho các trường công cũng như bổ sung nguồn lực đào tạo cho đất nước; trao thêm ưu đãi (như miễn, giảm thuế, khen ngợi, tôn vinh bằng vật chất và tinh thần…) cho các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước;

Thứ hai, sử dụng các công cụ quan trọng như chính sách thuế để trao thêm nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ để thúc đẩy khối này phát triển mạnh mẽ, giúp họ có thêm sức mạnh cạnh tranh nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong nước và quốc tế, giảm bớt áp lực cho “cuộc đua” vào biên chế viên chức nhà nước, về dài hạn sẽ tạo nên một thị trường lao động bình đẳng và lành mạnh, bền vững cho đất nước;

Thứ ba, cần cải cách cơ chế quản lý viên chức, công chức (bao gồm cả tuyển dụng và thăng hạng, nâng lương, thưởng, đề bạt) theo hướng thông thoáng hơn để có thể thu hút được nhiều hơn nữa những sinh viên giỏi, những người lao động có kinh nghiệm;

Thứ tư, cần đầu tư xây dựng một chiến lược căn cơ để thu hút nhân tài quốc tế bao gồm cả Việt kiều và người mang quốc tịch nước ngoài;

Thứ năm, cần đưa ra những biện pháp mạnh nhằm hạn chế tối đa nạn tham nhũng, tạo dựng một môi trường thu hút nhân tài công bằng và lành mạnh.

Thứ sáu, cần thúc đẩy các nền tảng xã hội hỗ trợ cho người lao động cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như xây dựng những ưu đãi phi vật chất nhằm tạo nên một môi trường lao động hấp dẫn ở Việt Nam./.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Theo Tuyengiao.phuyen.gov.vn
(Nguồn: https://www.tuoitrephuyen.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

HÌNH ẢNH

H1.jpg H2.jpg H3.jpg H8.jpg H4.jpg

Thống kê

  • Đang truy cập0
  • Hôm nay1,955
  • Tháng hiện tại62,892
  • Tổng lượt truy cập551,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây